QUAN VŨ RỜI TÀO – LÀM SAO CHINH PHỤC ĐƯỢC NGƯỜI TÀI?

Hoàng Nhật Linh – DDDN

Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, chuyện Quan Vân Trường rời Tào Tháo là một trong những hồi gây ấn tượng mạnh mẽ nhất.

Bị quân Tào bao vây bốn phía ở núi Thổ Sơn và nghe lời khuyên của người bạn thân là Trương Liêu mà Quan Vũ xuống núi, về với Tào Tháo. Nếu Quan Vũ liều chết giao chiến thì chưa biết tình thế sẽ ra sao. Trước khi xuống núi Quan Vũ nói với Trương Liêu rằng:

– Tôi có ba điều giao ước. Nếu Thừa tướng nghe cho, tôi xin lập tức cởi giáp lai hàng, nhược bằng không nghe tôi sẽ liều chết mà đánh.

Trương Liêu nói:

– Thừa tướng đại lượng khoan hồng, thế nào chắc ngài cũng nghe. Xin cho biết ba điều ước.

Quan Vũ nói:

– Một là: Ta đã cùng Hoàng thúc lập thề cùng nhau giúp nhà Hán, nay ta chỉ hàng vua nhà Hán, không hàng Tào Tháo. Hai là: Hai chị dâu ta phải được cấp dưỡng theo bổng lộc của Hoàng thúc, nhất thiết người ngoài không ai được đến cửa. Ba là: Hễ ta nghe thấy Hoàng thúc ở đâu, không quản trăm dặm nghìn dặm, lập tức ta cáo từ, rồi đi theo. Ba điều ấy nếu thiếu một điều ta nhất định không hàng, xin Văn Viễn mau mau về trình với Thừa tướng.

Trương Liêu thưa vâng, lên ngay ngựa về gặp Tào Tháo, trước hết nói việc hàng Hán không hàng Tào. Tháo nói:

– Ta là tướng nhà Hán, Hán tức là ta. Việc ấy theo được.

Liêu lại xin cho hai phu nhân được hưởng lộc của Hoàng thúc và không ai được vào đến cửa.

Tháo nói:

– Ta sẽ cấp cho gấp hai lương bổng của Hoàng thúc. Còn như việc nghiêm cấm trong ngoài, vốn là gia pháp phải thế, việc gì phải nói nữa.

Liêu mới nói đến khoản thứ ba: Hễ khi nào biết tin Huyền Đức ở đâu, dù xa thế nào cũng đi theo ngay.

Tháo lắc đầu nói:

– Thế thì ta nuôi Vân Trường để làm gì? Việc này khó theo đấy.

Liêu nói:

– Thừa tướng không nhớ lời bàn chúng nhân và quốc sĩ của Dự Nhượng ngày xưa hay sao? Như Huyền Đức đãi Quan Vũ chẳng phục?

Tháo nói:

– Văn Viễn nói chí phải. Ta ưng cả ba điều.

Liêu vội lên núi bảo cho Quan Vũ biết. Quan Vũ nói:

– Đã đành như thế rồi, xin Thừa tướng hãy tạm lui binh, để tôi vào thành bẩm với hai chị, rồi sau mới xin ra hàng.

Liêu về bẩm lại, Tháo liền truyền lệnh lui binh ba mươi dặm.

Quan Công dẫn vài mươi tên kỵ đến ra mắt Tào Tháo; Tháo ra ngoài cửa viên tiếp vào. Quan Công xuống ngựa vào lạy. Tháo vội vàng đáp lễ. Quan Công nói:
– Tôi là bại tướng, không bị giết, đội ơn ngài nhiều lắm.

Tháo nói:

– Tôi vốn mến Vân Trường là người trung nghĩa, nay được trông thấy, thực là hả lòng mong mỏi bấy nay.

Quan Công nói:

– Văn Viễn bẩm cho ba việc, đã được Thừa tướng ưng cho, chắc là Thừa tướng không sai lời.

Tháo đáp:

– Ta đã nói, quyết không thất tín.

Quan Công lại thưa:

– Nếu tôi biết đựơc Hoàng thúc ở đâu, dù lên thác xuống ghềnh, lặn sông, qua lửa cũng phải đi theo. Bấy giờ sợ không kịp bái từ, xin Thừa tướng lượng thứ cho.

Tháo đáp:

– Huyền Đức nếu còn sống, ông cứ đi theo. Nhưng chỉ sợ Huyền Đức mất trong loạn quân rồi. Ông cứ yên tâm, nghe ngóng xem đã.

Quan Công lạy tạ. Tháo mở tiệc yến khoản đãi. Hôm sau rút quân về Hứa Xương. Quan Công thu xếp xa trượng, mời hai chị lên xe, tự mình đi hộ vệ. Khi đi đường, nghỉ ở quán dịch, Tháo muốn làm rối loạn lễ vua tôi, để Quan Công và hai chị dâu cùng ở một nhà. Quan Công cầm đuốc đứng hầu ngoài cửa, từ tối đến sáng, sắc mặt không lúc nào có dáng mỏi mệt. Tào Tháo thấy thế lại càng kính phục. Về đến Hứa Xương, Tháo sai sửa sang một phủ để Quan Công ở. Quan Công chia một nhà làm hai viện, viện trong sai mười người lính già canh cửa. Quan Công thì ở nhà ngoài. Tháo dẫn Quan Công vào chầu vua Hiến Đế. Vua cho làm Thiên tướng quân; Quan Công tạ ơn rồi về.

Hôm sau, Tháo mở tiệc lớn, hội cả mưu thần võ sĩ, lấy lễ khách đãi Quan Công, mời lên ngồi trên; lại tặng gấm vóc và những đồ vàng bạc, Quan Công đem về nhờ hai chị thu giữ.

Từ khi Quan Công đến Hứa Xương, Tháo đãi rất hậu. Ba ngày một tiệc nhỏ, năm ngày một tiệc lớn; lại đưa mười người con gái đẹp để hầu. Quan Công đều đưa vào nhà trong để hầu hai chị. Cứ ba ngày một lần đứng cửa ngoài chắp tay kính cẩn, hỏi thăm sức khỏe hai chị.

My phu nhân hỏi han về tin tức Hoàng thúc, bao giờ hỏi xong cũng nói: – “Chú cứ tùy tiện”. Bấy giờ Quan Công mới dám lui về.

Tháo nghe thấy thế lại càng kính phục lắm.

Một hôm thấy Quan Công mặc áo chiến bào bằng gấm xanh, đã cũ bạc. Tháo truyền ngay lệnh đo mình Quan Công, may một chiếc chiến bào bằng gấm thực quý để tặng. Quan Công lĩnh lấy, mặc vào trong, rồi lại lấy áo cũ mặc phủ ra ngoài.

Tháo cười mà nói rằng:
– Vân Trường hà tiện quá!
Quan công đáp:
– Bẩm không phải là hà tiện. Áo cũ là của Lưu Hoàng thúc cho, tôi mặc ở ngoài như nhìn thấy mặt anh, dám đâu vì cái mới của Thừa tướng ban cho mà quên cái cũ của anh tôi đã cho từ trước, nên phải mặc áo cũ ra ngoài là thế.
Tháo khen:
– Thực là nghĩa sĩ!
Miệng tuy khen, nhưng Tháo không bằng lòng.

Trong bụng, Quan Vũ đã quyết rời Tào, nhưng chưa đền được ơn đãi ngộ của Tào Tháo nên Quan Vũ chưa đi. Đến khi Tào Tháo đánh nhau với Viên Thiệu, bị mất liền hai viên tướng giỏi, vì Viên Thiệu có Nhan Lương và Văn Sú là hai tướng võ nghệ cao cường, ngoài Quan Vũ ra thì không ai địch nổi. Khi Quan Vũ tế ngựa ra trận, chỉ một lúc đã mang đầu Nhan Lương trở về. Hôm sau, quân Tào lại thua Văn Sú. Quan Vũ lại mặc giáp ra trận và chỉ trong chớp mắt đã chém chết Văn Sú. Sau khi đã lấy công đền ơn hậu đãi của Tào Tháo, Quan Vũ gói toàn bộ vàng bạc mà Tào Tháo tặng cùng ấn tín hầu, trả Tào Tháo và đón hai phu nhân của Lưu Bị đi tìm người anh kết nghĩa của mình. Trên đường đi, qua năm cửa ải, Quan Vũ đã chém chết 6 tướng của Tào Tháo.

Các DN ngày nay đang đau đầu về nhân sự cao cấp. Những người thật sự có tài không dễ tìm. Họ phải nhờ tới các Cty săn đầu người để có người tài. Nhưng các Cty này chỉ có thể đảm bảo được về tài năng chứ không ai đảm bảo được về nhân phẩm, lòng chung thuỷ. Tào Tháo đãi Quan Vũ tột bậc hậu hỹ. Ba ngày mở một tiệc nhỏ, năm ngày mở một tiệc lớn, lên ngựa thưởng ba nén vàng, xuống ngựa thưởng năm nén bạc, vậy mà Quan Vũ vẫn đi. Nếu tìm nhân sự cao cấp thì Quan Vũ thuộc loại siêu cao cấp. Thường người tài giỏi xem tiền bạc không phải là to. Khi ra đi, Quan Vũ đã trả lại tất cả vàng bạc mà Tào Tháo đã thưởng cho mình. Còn cái chức Tín Đình Hầu được Hiến Đế phong cho chỉ làm một chức tước suông, vì chỉ có chức mà không có quân, không có đất. Cái đuôi đa nghi và giả dối của Tào Tháo lòi ra ở việc này. Nhiều DN đối đãi với nhân tài rất trọng thị nhưng họ vẫn bỏ đi. Đối với người tài thì việc kiếm tiền không khó lắm. Ở đâu họ cũng sống được. Vì thế, nếu chỉ dùng tiền để giữ nhân sự cao cấp thì không giữ được. Các nhân tài rất trọng tín nghĩa. Vậy một người đa nghi và bất nghĩa như Tào Tháo, từng giết sạch cả nhà Lã Bá Sa, từng giết cả hai mươi vạn quân Khăn Vàng, ném xuống sông, làm cho nước sông không chảy được, thì làm sao có thể giữ được một người trọng tín nghĩa như Quan Vũ.

Trước đây, nhân sự cao cấp của Trung Quốc chạy ra làm việc cho các Cty của nước ngoài rất nhiều. Lúc đó, báo chí Trung Quốc không ngày nào không cảnh tỉnh về việc chảy máu chất xám. Nếu Cty bị mất nhân sự cao cấp thì nguy cơ thua lỗ, phá sản là rất lớn. Điều này các chủ DN trước hết chỉ có thể trách mình chứ không trách được ai cả. Muốn có nhân tài, trước hết các chủ DN phải tự đòi hỏi rất cao ở chính mình mà trước hết là năm chữ: “Nhân – Nghĩa – Lễ – Trí – Tín”.

[saga]

Bình luận về bài viết này

Filed under Soft skills - Kỹ năng mềm

Bình luận về bài viết này